Hà Tường Cát
Lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, chiếc USNS Carl Vinson (CVN-70), sẽ đến Việt Nam cặp bến cảng Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9 tháng 3 sắp tới. Trong thời gian chiến tranh từ 1964 đến 1975, khoảng 20 hàng không mẫu hạm khác nhau đã từng được điều động luân phiên đến thi hành các phi vụ oanh tạc nhưng chưa bao giờ có mẫu hạm nào ghé vào các bến cảng trong đất liền. Như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh hay Sài Gòn. Tât cả mẫu hạm đều chỉ hoạt động ngoài khơi cách bờ khoảng 100 hải lý tại hai khu vực biển: Yankee Station ngang Đồng Hới cho các máy bay oanh tạc Bắc Việt và Dixie Station cho các máy bay yểm trợ chiến trường miền Nam.
Vào lúc tình hình Biển Đông đang nhiều phức tạp, có dư luận cho rằng việc Mỹ đưa mẫu hạm Carl Vinson đến Việt Nam là một bước cụ thể hóa sự đương đầu với những tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Trong hiện tình, nhận định như vậy có lẽ là quá sớm vì thật ra chưa biết toàn bộ chiến lược châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng của chính quyền Donald Trump là như thế nào. Trên căn bản, những chuyến thăm viếng hữu nghị của chiến hạm tới các quốc gia chỉ là thủ tục ngoại giao thông thường vẫn được hải quân Mỹ thực hiện trong thời bình. Nhưng hành động này cũng còn nhắm đến nhiều mục đích khác.
Mỹ và Việt Nam đã là hai nước thù nghịch trong quá khứ, cho nên việc đưa mẫu hạm Carl Vinson ghé cảng Đà Nẵng là sự khẳng định một thời kỳ mới trong mối quan hệ.đồng minh Mỹ-Việt.
Việt Nam là nước có tiềm năng nhất ở khu vực Biển Đông trong thế đương đầu với Trung Quốc và Mỹ .đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ với Việt Nam từ thời chính quyền Obama.
Trong chuyến thăm viếng và thảo luận với Việt Nam hồi cuối tháng 1, tướng Jim Mattis Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đã nói với tướng Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam: “Chúng ta nhìn nhận rằng những mối quan hệ không bao giờ đứng nguyên tại chỗ, có thề mạnh hơn hay yếu hơn, và Mỹ muốn có quan hệ mạnh hơn với một nước Việt Nam hùng mạnh hơn”. Bộ trưởng Jim Mattis cám ơn Việt Nam về sự phát triển của quan hệ đối tác qua việc hai bên đồng ý cho hàng không mẫu hạm tới Đà Nẵng.
Cơ sở vững bền của quan hệ đối tác ấy là lợi ích hỗ tương của hai nước ngăn chặn tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc và bảo vệ tự do lưu thông cho tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Đưa hàng không mẫu hạm nguyên tử tới Đà Nẵng cũng có ý nghĩa trấn an các quốc gia đồng minh Đông Nam Á rằng Hải quân Mỹ không vắng mặt ở Biển Đông và rằng Mỹ vẫn duy trì quyết tâm trở lại châu Á như ngoại trưởng Hillary Clinton đã xác định ở hội nghị ASEAN năm 2010.
Dù sao trên thực tế thì hành động này mang nhiều ý nghĩa tượng trưng hơn là có giá trị cụ thể. Nó chứng tỏ Việt Nam và Mỹ đã tin tưởng nhau hơn và giới lãnh đạo Hà Nội cảm thấy thoải mái khi tiến thêm một bước nữa trong mối quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nhưng nó không có nghĩa là Việt Nam đang chấp nhận đi vào quỹ đạo của Mỹ để cùng chống lại Trung Quốc. Việt Nam thận trọng không đứng hẳn về một phía và đủ khôn khéo để giữ quan hệ chặt chẽ với Mỹ tới một chừng mực không làm Trung Quốc khó chịu.
Do đó Trung Quốc có thể không hài lòng, nhưng không coi việc mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẵng là hành động mang tính đe dọa hay có một hậu quả gì đáng kể. Đối với họ, một chuyến thăm của hàng không mẩu hạm Mỹ như thế mới chỉ là hành động đơn lẻ chưa đủ làm thay đổi tình thế để phải có phản ứng cần thiết. Khi được phóng viên hãng Reuters hổi về chuyện nảy, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố “Chúng tôi không phản đối các hoạt động trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Mỹ nếu đem lại lợi ích cho hòa bình và ổn định của khu vực”.
Trung Quốc có lý do khi bày tỏ thái độ mềm mỏng ôn hòa như thế vì không có lợi ích gì để gây căng thẳng với Mỹ vào thời điểm hiện nay. Trong một năm vừa qua, khai thác cơ hội chính quyền Donald Trump đang theo đường hướng cô lập và chủ trương “Nước Mỹ Trước Nhất”, Vào lúc thế lực của Mỹ suy giảm ở châu Á, Trung Quốc đã lặng lẽ tạo lập được nhiều thành quả để củng cố chiến lược lâu dài của họ tại Biển Đông cũng như các khu vực khác ở châu Á.
Đông Á: không đủ tin cậy Mỹ
Phần lớn quyền lực của Mỹ ở chậu Á, quân sự cũng như ngoại giao, tập trung trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2017 Bắc Hàn loan báo đã sản xuất được hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử có khả năng bắn tới bất cứ mục tiêu nào trên lục địa Mỹ. Tuyên bố này đưa đến cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thông thường trong trận chiến bằng mồm này thì kẻ nhỏ, bên yếu là người thắng cuộc chứ không phải là người lớn, bên mạnh.
Nhưng điều quan trọng là cuối cùng vụ khủng hoảng Bắc Hàn sẽ chấm dứt ra sao và kết quả đó sẽ xác định quyền lực của Mỹ ở châu Á trong tương lai. Trong khi chưa đi tới kết quả ấy thì càng ngày người ta càng nhận ra bất lực của Mỹ trong sự giải quyết vấn đề. Người ta không hiểu ông Trump sẽ giải quyết vấn đề phát triển nguyên tử của Bắc Hàn bằng cách gì vì cho tới nay ông vẫn tỏ ra muốn dùng áp lực tối đa, mặc dầu nếu không có hiệu quả liệu ông có dám sử dụng vũ lực như đã hăm dọa chăng? Sự đe dọa lặp đi lặp lại nhiều lần về sử dụng vũ lực, mà không sử dụng hay không thể sử dụng, đưa đến hệ quả tệ hại là làm mất tin cậy của Nam Hàn và các nước đồng minh.
Từ thời gian tranh cử cho đến khi vào tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump không có một quan niệm đúng đắn về cách đối phó với Bắc Hàn. Ông phê phán các tổng thống tiền nhiệm đã để tình trạng kéo dài, tuy nhiên những vị đó đều có một lập trường dứt khoát là dùng giải pháp ngoại giao chứ không dùng quân sự. Ông Trump có lúc chủ trương thương thuyết, lúc khác đe dọa dùng vũ lực. Nguy hiểm hơn nữa là chủ trương cho Mỹ phát triển vũ khí nguyên tử mới, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, ngược hẳn chính sách của các tổng thống kể từ Ronald Reagan là cố gắng ký kết các hiệp định tài giảm vũ khí.
Nước Mỹ giữ vai trò lãnh đạo trong việc đem lại ổn định toàn cầu bằng những nỗ lực hòa bình nhưng không nên dùng tới phương cách hăm dọa. Hăm dọa mà không có kết quả thì sẽ làm sói mòn niềm tin cậy của các quốc gia khác.
Bắc Kinh sẽ lấy bán đảo Triều Tiên làm nơi trắc nghiệm ý chí và sự thi hành quyền lực của Mỹ để thực hiện kế hoạch của họ ở những khu vực khác. Phát biểu trước Đại hội kỳ thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017 , chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định Đái Loan là một phần lãnh thổ không thề tách rời của Trung Quốc. Lập trường ấy của Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi và nếu Bắc Kinh có thể có một động thái bất ngờ nào hay không là do sự đánh giá mức tín nhiệm của Mỹ. Đầu năm nay, Trung Quốc đãloan báo sẽ mở những đường bay mới trên eo biển gần đảo Đài Loan mà không tham khảo ý kiến chính quyền Đài Loan.
Nếu Mỹ không thực hiện đúng những cam kết bảo vệ Nam Hàn và Đài Loan thì Mỹ sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và các nước đồng minh khác ở châu Á.
Nam Á: chuyển hướng đồng minh
Nhận thấy Mỹ muốn giảm can dự vào các khu vực trên thế giới để hướng về quốc nội, các nước Nam Á tìm cách thích ứng với tình thế theo cách riêng của họ.
Hồi tháng 1 năm nay, tướng Bipin Rawat, tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, nói rằng “đã đến lúc phải tập trung chú trọng phòng thủ biên giơi phía Bắc giáp Trung Quốc”. Theo vị tướng này: “Ấn Độ và các quốc gia châu Á, kể cả Nhật, đều nhận thấy nhiệm vụ quốc phòng của mình không thể trông cậy vào Mỹ, ‘cường quốc đang mờ dần trên trường quốc tế’. Tướng Rawat cho là trong tương lai gần, Ấn và Nhật phải gia tăng hợp tác trên nhiều mục tiêu an ninh. Các nước lân cận Ấn Độ hầu hết ngả về phía Trung Quốc, tán trợ sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng với chủ trương phát triển hệ thống đường giao thương trên biển và trên bộ có tên gọi trong lịch sử là “Con Đường Tơ Lụa” kết nối khu vực Thái Bình Dương / Ấn Độ Dương với châu Âu và châu Phi. Trung Quốc cầm đầu chiến lược có mục tiêu vĩ đại trị giá hàng trăm tỷ dollars này bằng viện trợ cho các nước trong khu vực xây dựng những cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển.
Trong lúc Mỹ đang đe dọa cắt viện trợ an ninh $1 tỷ vì cho rằng chính quyền Pakistan không thi hành hiệu quả công cuộc chống khủng bố thì quốc gia này, vẫn là đồng minh thân cận của Trung Quốc từ 4 thập niên, bây giờ đóng một vai trò trọng yếu trong chiến lược “Nhất Đới Nhất Lộ” ở vùng Nam Á.
Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đấu tranh dân chủ, phải đương đầu với các khó khăn phức tạp về chính trị và xã hội ở Myanmar, đồng thời thất vọng vì sự công kích không tương xứng với thực trạng từ các nước phương Tây, cũng đang hướng về Trung Quốc và Nga mưu tìm được sự trợ giúp. Bà được tiếp đón nồng nhiệt trong chuyến đến thăm Bắc Kinh mới đây.
Nhưng tham gia chiến lược “Nhất Đới Nhất Lộ” cùng Trung Quốc cũng có những rủi ro như trường hợp ở Sri Lanka. Một hải cảng tân tiến vừa xây dựng ở đây tỏ ra thiếu triển vọng kinh tế và không có khả năng trả được nợ, nên đảo quốc này buộc phải chuyển nhượng quyền quản trị dài hạn cho Trung Quốc.
Australia: Đứng giữa hai thế lực
Đây là một giai đoạn khó khăn về ngoại giao cho Australia trong mối quan hệ trục trặc với Bắc Kinh cũng như Tổng thống Donald Trump. Vào nửa cuối năm 2017, Trung Quốc và Australia thườngxuyên va chạm vì những cáo buộc xen lấn vào nội tình chính trị Canberra. Bộ trưởng phát triển quốc tế Fierravanta-Wells nói với báo chí Australia rằng viên trợ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương “chỉ để xây dựng lên những cơ sở vô dụng và các con đường không đi về đâu”.
Từ lâu Australia vẫn là một đồng minh tin cậy của Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ những can dự của Mỹ vào các vấn đề kinh tế và an ninh để duy trì ổn định và phát triển trong khu vực. Nhưng với tiên đoán là chỉ trong vòng ba năm nữa nỗ lực bành trướng của Trung Quốc cùng chủ trương rút về cô lập của Mỹ sẽ đưa Australia chưa được chuẩn bị thích ứng đến trước một Á Châu mới. Chính quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull có lẽ sẽ thay đổi năm 2021 và cho đến bây giờ vẫn giữ chính sách thân Mỹ nhưng lại va chạm với Tổng thống Donald Trump sẽ làm trì trệ tiến trình cải cách.
Michael Fullilove, giám đốc viện nghiên cứu Lowy Institute ở Sydney, không tin là Trung Quốc sẽ nắm được vai trò lãnh đạo trong vùng Nam Thái Bình Dương, nhưng cho rằng Australia cần có chính sách ngoại giao khôn ngoan để liên kết với những quốc gia lớn như Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản,
Đông Nam Á: Không nóng thêm
. Tranh chấp quyền lực Mỹ-Trung Quốc ở Đông Nam Á cụ thể nhất là sự kiểm soát Biển Đông, nhưng mỗi nước nhắm tới những mục tiêu khác nhau. Để đạt tới mục tiêu cuối cùng là chiếm đoạt, khống chế toàn khu vực, Trung Quốc tiến dần từng bước, không vội vã và không có phản ứng tức khắc khi đụng trở lực. Do đó trong lúc tình hình biến chuyển sôi động ở các khu vực châu Á khác thì Biển Đông có vẻ như êm dịu trong năm 2017.
Không có mục tiêu chiếm đoạt lãnh thổ hay tài nguyên, quyền lợi cốt lõi của Mỹ ở đây là sự tự do lưu thông hàng hải. Ngoài ra Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc khống chế các nước nhỏ trong khu vực trên các lãnh vực chính trị cũng như kinh tế.
Nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhiệm chức, sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ở vùng Đông Nam Á phai mờ dần vì hai bên đều chuyển hướng về bán đảo Triều Tiên. Đây là tình hình mà Trung Quốc mong muốn, nhưng không phải họ tạo ra được mà phần lớn do từ đường lối của Tổng thống Donald Trump. Người ta không hiểu ông Trump sẽ giải quyết vấn đề phát triển nguyên tử ở Bắc Hàn bằng cách gì vì cho tới nay ông vẫn tỏ ra muốn dùng áp lực tối đa, mặc dầu nều không có hiệu quả liệu ông có dám sử dụng vũ lực như đã hăm dọa chăng?
Trong thời gian khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên còn tiếp diễn, Trung Quốc không ngừng bành trướng hiệu quà vị trí của họ ở Biển Đông một cách lặng lẽ mà không làm tình hình nóng thêm. Ba phi trường đã được xây dựng cùng với các giàn radar trên những đảo nhân tạo. .Cho đến bây giờ Trung Quốc hãy còn kiềm chế, chưa đưa máy bay chiến đấu nào đến đây, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian,
Theo nhận định của các quan sát viên am hiểu, trong vòng ba năm nữa Trung Quốc sẽ vượt qua nhiều cấm đoán chẳng hạn như đơn phương tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên ngay bây giờ Trung Quốc thận trọng tránh hành động khiêu khích thêm đối với Mỹ và vận dụng thời gian để cho mọi việc trở nên chuyện đã rồi.
Trung Quốc cũng không muốn gây nên phản ứng quá mạnh của các nước Đông Nam Á dù hiểu rằng hầu hết các nước này không có cách chống nào khác hơn là phản đối suông. Khuyến dụ bằng viện trợ và tín dụng phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa ASEAN như một hợp lực để có thể thương lượng song phương dễ dàng và có lợi hơn với từng nước trong khối.
Hai nước gần và khó khăn nhất đối với Trung Quốc là Việt Nam và Philippines. Nhưng Philippines đã chuyển hướng, giảm tin cậy vào Mỹ dù là đồng minh cố cựu và tìm đường thương lượng với Trung Quốc. Còn Việt Nam mặc dù có những quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ nhưng chưa phải là mối đe dọa cho Trung Quốc. Bằng kinh nghiệm lịch sử và đường lối ngoại giao mềm mỏng khôn khéo, Việt Nam lựa một thế đứng giữa hai cường quốc Trung Quốc – Mỹ không để lệ thuộc quá nhiều hay và va chạm quá nặng với bên nào. Nhưng xét về mặt địa-chính trị thì Trung Quốc có thể tin là Việt Nam không thể tách xa mình nếu họ không vượt qua một giới hạn quá đáng.
Trong khi ấy mối quan hệ Việt Nam – Mỹ luôn luôn tùy thuộc vào chính sách đối ngoại của Mỹ theo các chính quyền thay đổi qua mỗi kỳ bầu cử và quan niệm của các chính quyền này về lợi ích quốc gia ở một khu vực xa xôi hàng chục ngàn dặm. Nói một cách khác, tương quan ảnh hưởng Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ luôn luôn biến chuyển từng thời kỳ, không bao giờ tồn tại nguyên trạng lâu dài dù rằng hiện tại có thể Mỹ không quan tâm nhiều tới vùng này. (HC)
|