Those were the days
Lần giở lại lịch sử, Those were the days là nhạc phẩm có nguồn gốc từ nước Nga của gần 100 năm trước. Khoảng 1925, một ca sĩ người Nga gốc Cộng hòa Georgia thuộc Liên bang Xô viết là Tamara Tsereteli sáng tác và trình bày nhạc phẩm này.
Đây là bản tình ca đậm chất dân ca Nga với giai điệu chậm buồn, tha thiết, có lúc lên cao trào réo rắt, dồn dập. Nhưng có lẽ nước Nga dưới thời cộng sản đã không là mảnh đất cho nhạc phẩm xuất sắc này vươn đến tầm cao lẽ ra phải có của nó. Nhạc phẩm do đó đã không được nhiều người biết đến.
Một thời gian dài sau, những người Nga bỏ xứ ra đi tìm miền đất hứa đã mang theo bài hát này như là nỗi nhớ thương quê nhà. Năm 1953 nhạc phẩm được lồng vào bộ phim Innocents in Paris với ca từ và giọng hát của một ca sĩ Nga.
Bài hát bắt đầu được công chúng phương tây để ý. Đầu thập niên 60, 2 vợ chồng ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ gốc Nga là Raskin và vợ là Francesca viết lại lời tiếng Anh và đăng ký bản quyền dưới tên Those were the days.
Một lần hai vợ chồng Raskin trình diễn ở London và kết thúc show bằng nhạc phẩm này, thành viên Paul McCartney của The Beatles tình cờ có mặt và bị chinh phục. Ông bắt đầu lên kế hoạch cover lại.
Sau một thời gian tìm kiếm, ông chọn một ca sĩ ở tỉnh lẻ đêm buồn là Mary Hopkin, một cô gái tuổi 17 người xứ Wales. Nói vậy thôi, chứ Mary từng 3 lần đoạt giải nhất trong các cuộc thi hát đài truyền hình địa phương.

Năm 1968 bản single Those were the days do Mary Hopkin hát chính thức ra đời, và ngay lập tức đứng hạng nhất trên bảng xếp hạng UK Singles Chart ở Anh, và hạng nhì ở Mỹ trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, chỉ đứng sau nhạc phẩm lừng danh Hey Jude của bộ tứ The Beatles.
Mary Hopkin hát nhẹ nhàng, trong trẻo, tự nhiên như hơi thở, nên dễ dàng lột tả được chất hoài niệm, tự sự của bài hát, góp công đưa bài hát lên đỉnh cao tương xứng.
Từ đây Those were the days vang xa, chinh phục thêm nhiều quốc gia khác. Tổng cộng nhạc phẩm này được cover trên 20 ngôn ngữ. Hai vợ chồng Raskin từ những ca sĩ ít tên tuổi trở nên giàu sụ nhờ tiền bản quyền.

Those were the days – Những ngày xưa thân ái, có giai điệu dìu dặt, chậm buồn, đậm nỗi tiếc nhớ về thưở thanh xuân.
Once upon a time there was a tavern
Where we used to raise a glass or two
Remember how we laughed away the hours
And dreamed of all the great things we would do
Ngày xưa có một quán bar
Nơi chúng ta thường hay lui tới, cùng nhau uống vài ly
Cười vui suốt buổi
Và mơ về những điều vĩ đại ở tương lai
Those were the days my friends
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and the day
We’d live the life we chose
We’d fight and never lose
For we were young and sure to have our way
Đó là những ngày xưa thân ái
Chỉ mê mãi đàn ca múa hát
Và chúng ta từng nghĩ sẽ không bao giờ chấm dứt
Chúng ta sống vui theo cách của mình
Chúng ta luôn tranh đấu và không hề biết thất bại
Bởi chúng ta còn tươi trẻ, và luôn có cách riêng của mình
Then the busy years went rushing by us
We lost our starry notions on the way
If by chance I’d see you in the tavern
We’d smile at one another and we’d say
Those were the days
Rồi những năm tháng bận rộn qua nhanh
Những ước mơ lấp lánh mất dần…
Giờ có tình cờ gặp lại
Chúng ta thích thú mỉm cười và nhắc về ngày xưa
Ôi, những ngày xưa thân ái.
Just tonight I stood before the tavern
Nothing seemed the way it used to be
In the glass I saw a strange reflection
Was that lonely woman really me?
Đêm nay, một mình bên quán rượu
Sao tất cả không còn giống ngày xưa
Trong đáy cốc thoáng hiện bóng một người
Là tôi sao, một người phụ nữ cô đơn?

Through the doors there came familiar laughter
I saw your face and heard you call my name
Oh, my friend, we’re older but no wiser
For in our hearts, the dreams are still the same
Từ cửa quán có tiếng cười quen thuộc
Có tiếng gọi tên tôi cùng gương mặt thân quen
Ôi, bạn ơi, chúng ta già đi nhưng không hề khôn ngoan hơn
Bởi trong tim ta, những giấc mơ xưa vẫn vậy.
***
Lời của Those were the days khá hay, man mác nỗi buồn tiếc nhớ những ngày tươi đẹp thuở thanh xuân.
Nhưng có một phiên bản Việt theo mình là hay nhất, dù cho đến giờ vẫn chưa biết tác giả là ai. Đó là phiên bản “Tình ca du mục”. Ngoài ra cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng dịch lời Việt có tựa là “Nhớ lúc yêu nhau” không thực sự xuất sắc lắm. Và gần nhất là phiên bản của Nguyễn Quốc Trí có tên là “Như lá thu vàng”, được Ngọc Hạ trình bày trong chương trình ca nhạc Asia Những bản tình ca hay nhất thế kỷ 20.
Theo cá nhân mình, Tình ca du mục vẫn xuất sắc nhất, có lẽ gần nhất với bản gốc nên mang nặng chất Nga, và phần lời tha thiết nhất. Vẫn là giai điệu đó, bài hát mô tả một chàng trai trên yên ngựa, dong ruổi thảo nguyên xa, đi tìm người con gái mình yêu. Năm tháng cứ qua đi mà bóng em vẫn biền biệt.
Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng nàng
Em thân yêu ơi, biết em giờ này nơi đâu
Tình yêu luôn cháy bỏng, nhưng thảo nguyên mênh mông quá, em ở nơi nào. Thời gian không chờ đợi, tuyết rơi mặc tuyết, sương phủ bờ vai, nhưng tình anh vẫn nguyên vẹn nồng cháy như thuở ban đầu.
Dù thời gian có phôi pha, năm tháng có xóa tan bao ước vọng, anh vẫn nhớ về một buổi chiều, em ngồi đó cùng hàng mi đen láy, mái tóc dài buông theo nỗi buồn trĩu nặng. Tình anh dành cho em vẫn vậy, mặc kệ thời gian. Em thân yêu ơi, biết em giờ này nơi nao?
Those were the days, Tình ca du mục, là một tuyệt phẩm âm nhạc có gốc từ Nga. Sau khi thoát khỏi quê hương cộng sản, đã tỏa sáng rực rỡ, và trở thành di sản chung của âm nhạc thế giới. Dù đã gần 100 tuổi nhạc phẩm vẫn nồng nàn, tha thiết, quyến rũ mỗi khi nghe lại, đúng là bất tử với thời gian.
FB Larry de King
Tạ Ơn đất nước tự do
Hồi còn bé, tôi học về lịch sử ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) qua bài đọc trong cuốn sách phổ thông Anh Ngữ “English For Today” từ năm lớp sáu trong giờ sinh ngữ: “Một đám người Pilgrims đi tìm tự do tôn giáo, rời Anh Quốc trên chiếc tàu May Flower đã đến sinh sống tại Hoa Kỳ và Canada vào tháng 9 năm 1620. Sau hơn một năm chống chọi với những gian nan, đói khát và thời tiết khắc nghiệt, một số người đã qua đời. Những người còn lại được người Da đỏ giúp đỡ và hướng dẫn cách trồng trọt hoa màu để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới nên sau khi gặt hái thành công, họ đã tổ chức một bữa tiệc để tạ ơn Thượng Đế và tỏ lòng biết ơn với người Da đỏ”.

Với tôi, ngoài việc tạ ơn Thượng Đế đã ban cho những ơn lành, tôi còn nhiều lý do khác để chuẩn bị ăn mừng Thanksgiving một cách chu đáo và long trọng hơn những ngày lễ khác.
Lúc mới đặt chân lên đất tự do, gia đình tôi được Đức Cha (Monsignor) người Ái Nhĩ Lan thuộc nhà thờ Thánh Tâm cho ở trong một ngôi nhà gần nhà thờ nằm trong một thành phố nghèo nhất nước Mỹ. Cha mua một căn nhà bỏ hoang với giá rẻ mạt rồi kêu gọi những người tình nguyện đến phụ sửa chữa, khang trang lại rồi “bán” cho tôi với giá không bằng một chiếc xe loại rẻ… Dân sống ở đây rất nghèo. Mỗi năm trước lễ Thanksgiving, Cha quyên góp tiền bạc, thực phẩm, quà cáp rồi vận động những người tình nguyện đi mua sắm, phân phối, sắp xếp hơn 1000 giỏ quà gồm đầy đủ vật liệu để chuẩn bị cho một bữa tiệc nhỏ rồi đem phân phát cho những gia đình sống quanh gần nhà thờ, trong đó có tôi. Thế là tôi cũng nướng gà tây và nấu những món hoa quả để mừng Thanksgiving như mọi người…
Tôi đi vượt biên với người em trai út lúc cậu mới mười tuổi. Hai chị em luôn luôn thương yêu gắn bó không phải từ lúc đặt chân lên đất Thái, mà là từ lúc tôi đem cậu vào Sài Gòn ở với tôi để bắt đầu lớp mẫu giáo, bỏ lại đám bạn nhỏ nghịch ngợm vô tư, những anh chị nghèo nàn cơ cực và một cái lỗ hổng to tướng trong tim ba mẹ tôi ở Chi Lăng… Em đã cùng tôi chia xẻ những gian nan khốn khó nên ngày vui nào cũng phải có em… Sinh nhật con gái đầu lòng của tôi là ngày 30 tháng 11. Những năm em tôi học đại học ở xa, chỉ về thăm nhà vào những ngày lễ lớn. Sẵn dịp cậu về mừng lễ Thanksgiving, tôi mua một cái bánh sinh nhật để cả nhà chia xẻ mừng sinh nhật con gái sau bữa ăn tối thì cũng thật tiện lợi và vui vẻ… Vài năm sau, ngày 21 tháng 11, con trai út của tôi ra đời. Thế là tiệc mừng Thanksgiving lại có thêm một cái bánh cho con trai…
Rồi tôi có việc làm. Sở làm của tôi là nơi phục vụ giải trí cho thiên hạ nên nhân viên ít có ai được nghỉ vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ. Ngày nghỉ của tôi nhằm ngày thứ Năm và thứ Sáu nên hầu như mỗi năm tôi chỉ được nghỉ một ngày lễ thật vui và trọn vẹn là ngày Thanksgiving.

Hôm nay, sau một ngày bận rộn nấu nướng rồi cùng những người thân quây quần bên bàn tiệc, tạ ơn Trời Phật đã ban cho gia đình tôi bình an và hạnh phúc… Ngồi ôn lại những thăng trầm của đời tôi trong hơn ba mươi năm qua, tôi chợt nghĩ đến một điều so sánh hơi ngộ nghĩnh: Gia đình tôi, con cháu của một nông dân từ một góc rừng sâu thẫm của núi đồi Đà Lạt, vượt biển đi tìm tự do trên những chiếc ghe nhỏ xíu, đến định cư ở đất Hoa Kỳ và đã được những người Mỹ, hậu duệ của những Pilgrims ngày xưa giúp đỡ để chúng tôi có được hạnh phúc như ngày hôm nay… Phải chăng đó là một ơn lành mà Thượng Đế đã ban cho tôi?
Con xin tạ ơn Ngài!
FB Kimhoa Bui