Huỳnh Duy Lộc
Bing Crosby tên thật là Harry Lillis Crosby, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1903 trong một gia đình đông con thuộc tầng lớp lao động nghèo, sống những năm tháng đầu đời ở Tacoma, bang Washington rồi theo cha mẹ chuyển đến Spokane khi mới lên 6 tuổi.
Vào thời kỳ sống ở Spokane, gia đình người Mỹ nào cũng có một máy hát dĩa, phát minh độc đáo của Thomas Edison vào đầu thế kỷ 20, và cậu bé Harry rất mê nghe những dĩa hát của Al Johnson, được mọi người đặt cho biệt danh Bing vì cậu cũng rất mê loạt truyện tranh “The Bingville Bugle”.
Sau khi học Trung học tại một trường Trung học Công giáo, anh vào học Luật ở Đại học Gonzaga , nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bỏ học để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc.
Anh tham gia nhóm nhạc The Musicaladers, vừa làm ca sĩ hát chính, vừa đánh trống, và đến giữa thập niên 1920 cùng với người bạn là Al Rinker lập ra một đôi song ca, đến thành phố Los Angeles khởi đầu sự nghiệp âm nhạc dưới cái tên “Two Boys and a Piano”.

Đôi bạn tham gia ban nhạc jazz của Paul Whiteman một thời gian rồi cùng với một người nữa là Harry Barris lập ra nhóm tam ca mang tên The Rhythm Boys. Cách hát của Bing Crosby trong những nhóm nhạc anh tham gia buổi ban đầu cho thấy anh chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhạc Jazz trong cách xử lý các tác phẩm âm nhạc.
Sau khi cho ra mắt vài ca khúc dưới dạng single, The Rhythm Boys đã góp mặt trong bộ phim “King of Jazz” và Bing Crosby cũng rời nhóm nhạc để bắt đầu hát solo.
Chương trình ca nhạc do anh phụ trách trên Đài Phát thanh từ năm 1931 rất thành công, có tới 50 triệu thính giả khắp nước Mỹ và được phát sóng suốt 30 năm.
Năm Bing Crosby phụ trách chương trình ca nhạc cũng là năm anh có những ca khúc rất thành công như: “I found a million-dollar baby”, “Just one more chance”, “Please”, “You’re getting to be a habit with me” và “June in January”.
Đến đầu thập niên 1930, Bing Crosby ký hợp đồng với hãng phim Paramount Pictures, đóng trong những bộ phim ca nhạc như “Here Is My Heart” (1934), “Anything Goes” (1936), “Pennies from Heaven” (1936). Anh cũng kết hợp với Bob Hope để đóng trong 7 tập của loạt phim “The Road to Singapore” (1940) rất được khán giả yêu thích.
Năm 1941, anh đóng chung với ngôi sao ca nhạc Fred Astaire trong bộ phim “Holiday Inn” và “White Christmas”, một trong những ca khúc của nhạc sĩ Irving Berlin trong bộ phim này, đã trở thành ca khúc bất hủ gắn liền với tên tuổi của anh.
Năm 1944, anh đóng vai một linh mục Công giáo trong bộ phim “Going My Way” và được trao giải Oscar duy nhất trong sự nghiệp của anh. Anh tái hợp với Bob Hope để đóng tiếp phim “Road to Utopia” (1946) và “Road to Rio” (1947) và góp mặt trong bộ phim ca nhạc “White Christmas”(1954) bên cạnh Danny Kaye và Rosemary Clooney, và ca khúc “White Christmas” anh hát lại đã lọt vào top 10 ca khúc hay nhất.
Năm 1954 ấy, anh có vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp điện ảnh của mình là vai một nam diễn viên nghiện rượu trong bộ phim “The Country Girl” bên cạnh nữ diễn viên Grace Kelly, rồi 2 năm sau cùng với cô và ca sĩ Frank Sinatra đóng trong bộ phim “High Society”.
Đến thập niên 1960, các bộ phim màn ảnh rộng có sự tham gia diễn xuất của anh không còn thành công nên anh chuyển sang đóng trong các bộ phim truyền hình và thực hiện chương trình truyền hình The Hollywood Palace từ năm 1964 tới năm 1970.
Bing Crosby rất mê đánh golf, từng góp phần lập ra giải thi đấu golf nghiệp dư Bing Crosby National Pro-Amateur từ cuối thập niên.
Ngày 14 tháng 10 năm 1977, khi đang chơi golf tại Tây Ban Nha, anh từ trần sau một cơn đột quỵ.
Trong sự nghiệp ca hát lừng lẫy của Bing Crosby có tới 300 bài Hit và những người yêu nhạc có thể nghe giọng ca của anh vang lên ở khắp nơi.
Sau khi anh qua đời, những ca khúc do anh trình bày vẫn tiếp tục được đưa vào nhiều bộ phim. Trong phần nhạc của bộ phim “The aviator” của đạo diễn Martin Scorsese với nam diễn viên Leonardo Di Caprio trong vai Howard Hughes, khán giả có thể nghe Bing Crosby hát một ca khúc bất hủ của hai nhạc sĩ Arthur Johnston và Sam Coslow để ngợi ca tình yêu và cám ơn người phụ nữ đã mang lại tình yêu cho thế giới buồn thảm này. Tình yêu đã mang lại niềm hạnh phúc bất tuyệt dù cái giá phải trả có khi là một nỗi đau đớn tột cùng và một niềm tiếc nhớ khôn nguôi.
THANKS
We used to dwell in love’s own palace
A palace of dreams come true
Now that we’re through I bear no malice
Though we’ve called it a day
All I can say is
Thanks for all the lovely delights
I found in your embrace.
I’m thankful though I know
It’s ending all too soon
And thanks for unforgettable nights
I never can replace
And memories that linger like a haunting tune
It is better to have loved you dear and lost
Than never to have loved at all
Yes it’s better, for no matter what the cost
I held the world in sway, an emperor for a day
And thanks again for taking me on the road to paradise
We lost our road, but still I must convey our thanks
It is better to have loved you dear and lost
Than never to have loved at all
Yes, its better, for no matter what the cost
I held the world in sway, an emperor for a day
And thanks again for taking me on the road to paradise
We lost our way but still I must convey my thanks.
(Chúng ta thường trú ẩn trong lâu đài tình yêu
Một lâu đài của những giấc mơ thành hiện thực
Giờ đây, cuộc tình đã qua, anh không hờn trách
Dù chúng ta đã có một thời
Tất cả những gì anh có thể nói là:
“Cám ơn em về những niềm hạnh phúc tuyệt vời
Anh đã có được trong vòng tay của em
Anh cám ơn em dù anh biết
Mọi chuyện đã kết thúc quá nhanh.
Và anh cám ơn em về những đêm không thể nào quên
Anh không bao giờ thay thế được
Và những kỷ niệm còn mãi như một bài hát vấn vương trong tâm tưởng
Chẳng thà yêu em và mất em
Còn hơn chẳng hề yêu ai.
Không gì bằng yêu em dù cái giá phải trả có thế nào
Anh giữ thế giới cân bằng, làm vua trong một ngày
Và anh cám ơn em lần nữa vì đã đưa anh vào con đường dẫn tới thiên đường
Chúng ta đã lạc lối nhưng anh vẫn cám ơn em)